Giải pháp thúc đẩy áp dụng BIM trong ngành Xây dựng Việt Nam
Mô hình hóa thông tin công trình (BIM) đã được áp dụng tại một số dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Tại các nước đã triển khai áp dụng BIM thành công, dẫn đầu trong các tiến trình áp dụng BIM là Chính phủ với vai trò dẫn dắt, đưa ra chiến lược, lộ trình và đặt mục tiêu cho ngành Xây dựng. Việt Nam cũng đã đề ra những giải pháp tổng thể đồng bộ nhằm để tập hợp sức mạnh tổng thể của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, toàn nhân lực ngành Xây dựng để thúc đẩy triển khai áp dụng BIM đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả.
Mô hình BIM thể hiện biện pháp thi công phần khung công trình.
BIM hướng đột phá trong đổi mới ngành Xây dựng
BIM được xác định là một trong năm xu hướng phát triển đột phá tại Mỹ và nhiều quốc gia đã áp dụng trong ngành Xây dựng. Hiện nay có nhiều định nghĩa về BIM khác nhau trên thế giới như:
Mô hình thông tin công trình (Building Information Model) “Một mô hình ảo 3D thông minh của công trình được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số bằng cách chứa toàn bộ dữ liệu công trình vào một định dạng thông minh có thể được sử dụng để phát triển việc tối ưu hóa việc xem xét các phương án thiết kế cho công trình, qua đó giảm rủi ro và tăng giá trị trước khi quyết định lựa chọn một phương án”; “Một công cụ diễn họa và phối hợp trong ngành Xây dựng và tránh các lỗi sai và bỏ sót”; hoặc là “Một thể hiện kỹ thuật số của tất cả các đặc điểm về mặt vật lý và công năng của công trình, như vậy nó được dùng như một nguồn chia sẻ thông tin về công trình để làm cơ sở cho việc ra quyết định trong vòng đời công trình kể từ lúc lên ý tưởng”.
Mô hình hóa thông tin công trình (Building Information Modeling) là “Tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho công việc thiết kế, thi công và cả quá trình quản lý vận hành, bảo trì công trình”.
Việc đưa ra định nghĩa về BIM là rất cần thiết vì có liên quan đến thực tiễn hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình có ứng dụng BIM. Như thường lệ trong trường hợp xuất hiện sự thay đổi lớn, việc tiếp nhận sẽ dễ dàng được đẩy nhanh bằng cách áp dụng một thuật ngữ cụ thể, giúp cho các bên liên quan có thể tập trung và so sánh những sự thay đổi đó. Cần hiểu thuật ngữ BIM trong ngữ cảnh rộng của một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong ngành Xây dựng mà thông qua đó các chủ thể có thể giao tiếp, phối hợp hiệu quả hơn và mang lại sự minh bạch cho toàn bộ ngành Xây dưng.
Tại các nước đã triển khai áp dụng BIM thành công, dẫn đầu trong các tiến trình áp dụng BIM là Chính phủ với vai trò dẫn dắt, đưa ra chiến lược, lộ trình và đặt mục tiêu cho ngành Xây dựng.
Việc ứng dụng BIM tại Việt Nam đã được đưa vào Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật từ năm 2014, tuy nhiên để việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới, quy trình phối hợp của các chủ thể trong dự án đòi hỏi tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao…
Ứng dụng BIM ở các đơn vị kiến trúc – xây dựng Việt Nam thời gian qua
Tại Việt Nam hiện nay, BIM đã bắt đầu trở nên phổ biến trong ngành Xây dựng. Nhiều chủ đầu tư, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng BIM đem lại và triển khai áp dụng vào các công trình từ giai đoạn thiết kế ý tưởng cho đến giai đoạn quản lý thi công. Các vấn đề về BIM cũng đã được đề cập tại nhiều buổi hội thảo chuyên đề do các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông TP HCM…), các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, đơn vị tư vấn tổ chức, đồng thời thu hút được sự quan tâm tích cực của các chuyên gia, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu, doanh nghiệp tư vấn. Việc ứng dụng BIM tại Việt Nam từ chỗ chủ yếu được thực hiện một số dự án có yếu tố nước ngoài tham gia (do nước ngoài đầu tư hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, thiết kế nước ngoài) đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước (chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp) đã bắt đầu quan tâm, xem xét, triển khai do thấy được lợi ích BIM có thể mang lại.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã yêu cầu áp dụng BIM tại một số dự án lớn như tập đoàn VinGroup, Vietinbank, Cty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc… Các dự án tiêu biểu áp dụng BIM có hiệu quả như Dự án Park Hill 6, Vietinbank Tower, cảng Cửa Lò, cầu Thủ Thiêm 2, khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai… Qua khảo sát tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thi công, tiêu biểu như: Dự án Vietinbank Tower đã phát hiện và giải quyết trên 1500 xung đột trong thiết kế trước khi triển khai thi công; tối ưu hóa tiến độ thi công, quy trình lắp đặt tại dự án nhà máy Cheeky (chủ đầu tư Procter & Gamble, SEA) rút ngắn khoảng 10% về tiến độ; giảm được 8% công việc phải làm lại, và khoảng 40% thời gian xử lý các thay đổi khi thi công tại dự án Park Hill 6; kiểm soát khối lượng trong thời gian thi công đạt độ chính xác trên 95% so với thiết kế tại Dự án nhà để xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM…
Tuy nhiên, những dự án đầu tư xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, các chủ đầu tư đều chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng BIM trong thiết kế, quản lý dự án vì nhiều rào cản trong đó rào cản lớn nhất là nhiều nội dung hướng dẫn về BIM chưa được đưa vào trong các văn bản pháp lý sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn hoặc chủ đầu tư trong quá trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự toán, tổng mức đầu tư hay quyết định đầu tư.
Trong lĩnh vực tư vấn, một số tổ chức tư vấn đã nghiên cứu ứng dụng BIM vào công tác thiết kế ở các mức độ khác nhau như: Tổng Cty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Cty CP Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), Cty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Phát triển đô thị Hà Nội (HACID), Cty TNHH Tư vấn và Xây dựng quốc tế An Phúc, Phân viện Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam Tedi South… Việc ứng dụng BIM trong công tác thiết kế hiện chủ yếu cho các công trình thuộc loại hình xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Việc đẩy mạnh ứng dụng BIM trong các tổ chức tư vấn còn gặp khó khăn do chi phí để đầu tư cho việc này là đáng kể trong khi chưa có nhiều chủ đầu tư hiểu rõ các yêu cầu áp dụng BIM. Mặt khác, do thiếu các lộ trình cũng như những quy định, yêu cầu cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước về BIM nên các tổ chức nói trên cũng chưa có mục tiêu để phát triển BIM thành một hệ thống trong hoạt động tư vấn. Vấn đề nghiên cứu để tự chủ động triển khai ứng dụng quy trình BIM trong thiết kế đối với các tổ chức tư vấn nhất là các tổ chức tư vấn lớn đã thành lập lâu năm còn gặp khó khăn do tâm lý “ngại thay đổi” về quy trình làm việc và cập nhật các công nghệ thông tin mới của một số bộ phận nhân sự trong tổ chức.
Bên cạnh các tổ chức tư vấn thiết kế truyền thống, đã xuất hiện nhiều tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn và giải pháp về BIM, các tổ chức này bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn thiết kế truyền thống, nhà thầu xây dựng còn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy việc ứng dụng BIM, tiêu biểu như: Cty TNHH Tư vấn và ứng dụng công nghệ BIM Việt Nam (ViBIM), Cty TNHH HSD Việt Nam, Cty TNHH Viasys VDC Việt Nam, Synectics, Redsun, Cty VTCO, Cty TNHH An Thi Việt Nam…
Trong lĩnh vực thi công xây lắp, đã có nhiều nhà thầu ứng dụng BIM vào giai đoạn đấu thầu, thi công xây lắp để kiểm soát khối lượng công việc, lập biện pháp tổ chức thi công, phát hiện và xử lý va chạm giữa các kết cấu trong giai đoạn thi công hoặc tăng trao đổi thông tin giữa các bên liên quan, tiêu biểu như: Cty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Cty CP Xây dựng Cotec (CotecCons), Cty CP Xây dựng số 1 (Cofico), Tổng Cty Cơ điện xây dựng (Agrimeco), Vinaconex 6, Cty CP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E, Cty TNHH Thyssenkrupp Industrial Solutions (Việt Nam), Doosan Vina, PTSC, Đại Dũng Steel, BMB Steel, Zamil Steel… Việc ứng dụng BIM tại các tổ chức thi công xây lắp thường gặp khó khăn hơn so với tại các tổ chức tư vấn thiết kế do nhân sự thường xuyên thay đổi, khó duy trì đội ngũ phụ trợ có kiến thức về BIM phù hợp, ổn định với Cty.
Trong lĩnh vực đào tạo, nhiều cơ sở đào tạo thuộc các công ty, trung tâm thuộc các trường Đại học (Xây dựng, Giao thông Vận tải TP HCM, Bách Khoa…), Viện Thiết kế và Xây dựng ảo (Institute of Virtual Design and Construction)… đã mở các khóa đào về sử dụng các công cụ BIM và quản lý BIM để đáp ứng nhu cầu của các cá nhân và doanh nghiệp.
Trên thế giới, hiện nay BIM đang ngày một trở nên phổ biến. Nhiều nước như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Braxin, Canada, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Nga, Trung Quốc… đã áp dụng BIM ở nhiều mức độ khác nhau, qua đó nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của ngành Xây dựng nước mình.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ứng dụng BIM ở Bắc Mỹ đã tăng nhanh chóng trong giai đoạn giữa năm 2007 đến năm 2012 từ 28% đến 71%. Việc áp dụng của các nhà thầu là 74% đã vượt qua cả kiến trúc sư (chiếm khoảng 70%), đây là đối tượng dẫn đầu quá trình cách mạng hóa BIM và giúp định hình rõ nét các giá trị của BIM mang lại. Số lượng chủ đầu tư có yêu cầu sử dụng BIM tại trên 60% dự án do quản lý đã tăng từ 18% vào năm 2009 lên 44% vào năm 2012.
Rõ ràng, các nước trên thế giới đều xác định BIM là một chiến lược để tăng cường tính cạnh tranh, tăng năng suất thiết kế và thi công, giảm chi phí trong xây dựng và vận hành công trình. Là một nước đi sau, Việt Nam có thể dựa trên kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng BIM thành công như Hoa kỳ, Vương quốc Anh, Singapore… Những kinh nghiệm đó được học hỏi để đưa ra được lộ trình, cơ chế chính sách thích hợp cho việc áp dụng BIM vào ngành Xây dựng một cách thành công.
BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng nên việc bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh triển khai áp dụng BIM trong ngành Xây dựng Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ về tụt hậu, mất khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới
Về phía quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015 đã đề cập đến một số nội dung liên quan đến BIM trong nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng (Khoản 3, Điều 4) và nội dung quản lý đầu tư xây dựng (Khoản 1, Điều 66); Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đề cập đến BIM trong chi phí quản lý dự án (Khoản 2, Điều 23) và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (Khoản 2, Điều 25); Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng với quy định về việc ứng dụng BIM là một nội dung trong chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng trong tổng mức đầu tư xây dựng (Khoản a, b, Điều 3); Quyết định 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng hướng dẫn xác định dự toán chi phí tư vấn áp dụng BIM.
Ngoài ra, một số văn bản khác cũng có những nội dung đề cập đến BIM như: Trong Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/01/2015 cũng xác định việc ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) là một trong các giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu nêu ra tại Đề án. Việc triển khai áp dụng BIM một cách rộng rãi, có hiệu quả cũng là cụ thể hóa thực hiện nội dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của các ngành, được quy định tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một số đơn vị quản lý nhà nước đã có bước đầu chuẩn bị cho việc áp dụng BIM cho công trình thuộc ngành của mình (như giao thông, y tế, thủy lợi).
Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã có bước đi tiên phong khuyến khích ứng dụng BIM vào toàn ngành Giao thông trên địa bàn thành phố. Trong Công văn số 4405/SGTVT-XD ngày 23/6/2014 gửi các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu, Hội cầu đường cảng, Sở Giao thông TP HCM, bên cạnh việc khẳng định lợi ích của mô hình BIM đã yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị, phòng ban trực thuộc, các đơn vị tư vấn lập dự án, thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị quản lý khai thác các công trình giao thông do Sở quản lý cần: Chủ động nghiên cứu, thí điểm ứng dụng BIM, từng bước chuẩn bị các điều kiện về vật chất kỹ thuật và con người để dần hình thành môi trường làm việc theo công nghệ BIM; xem việc đầu tư ứng dụng BIM tương tự như đầu tư cải tiến trang thiết bị, dây chuyền công nghệ trong quá trình sản xuất, tổ chức quản lý; chủ đầu tư cần chủ động nghiên cứu các quy định về đầu tư xây dựng hiện hành, có biện pháp đưa việc ứng dụng BIM vào các tiêu chí cộng điểm khi lựa chọn tư vấn, nhà thầu trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu đưa vào sử dụng và khai thác vận hành công trình…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai BIM vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới, quy trình phối hợp của các chủ thể trong dự án đòi hỏi tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 tập hợp sức mạnh tổng thể của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, toàn nhân lực ngành Xây dựng để tiến hành triển khai áp dụng BIM đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả.
Đẩy mạnh cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng BIM ngành Xây dựng
Tại nội dung Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp chính như sau:
Về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn: Có định hướng để rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, bảo trì công trình để các chủ đầu tư áp dụng thuận lợi BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, quản lý vận hành công trình; thực hiện đồng bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đáp ứng cho việc áp dụng BIM; xây dựng hướng dẫn về BIM; xây dựng các mẫu hợp đồng cơ bản có nội dung về áp dụng BIM; đề xuất các nội dung, tiêu chí nghiệm thu sản phẩm BIM
Về đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng chương trình đào tạo về BIM và yêu cầu đối với các vị trí công việc liên quan đến BIM; xây dựng khung chương trình đào tạo cho các đối tượng có liên quan; đề xuất yêu cầu về tiêu chí nhân sự cho các vị trí công việc yêu cầu năng lực BIM; tổ chức đào tạo rộng rãi về BIM trong các cơ sở đào tạo đủ điều kiện năng lực.
Phát triển hợp tác với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu các công nghệ quản lý trên nền tảng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Nhóm giải pháp về tài chính: Nhà nước ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách và các nguồn khác theo quy định của pháp luật cho việc tuyên truyền phổ biến. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đáp ứng cho việc áp dụng BIM, xây dựng hướng dẫn về BIM. Thực hiện một số dự án thí điểm áp dụng BIM trong đó Nhà nước hỗ trợ đào tạo hướng dẫn áp dụng BIM vào dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư ban đầu và có chuyên gia tư vấn đến khi hoàn thành dự án, đồng thời có các phương án hỗ trợ doanh nghiệp về phần mềm cơ sở dữ liệu nếu cần thiết.
Trong thời gian trước mắt, các chủ đầu tư dự án cấp I có thể đăng ký trực tiếp tại trang thông tin điện tử của Ban chỉ đạo. Ước tính hiện nay đã có trên 50 dự án đăng ký tham gia triển khai thí điểm ứng dụng BIM. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cơ quan quản lý nhà nước, một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để triển khai áp dụng BIM cho các dự án đầu tư xây dựng. Đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, theo dõi, đào tạo thí điểm về BIM.
Các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng áp dụng BIM trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng đến quản lý vận hành, kinh phí cho việc áp dụng BIM được tính trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và chi phí quản lý bảo trì công trình.
Về thông tin, tuyên truyền: Tổ chức thông tin, tuyên truyền về BIM thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về áp dụng BIM, các giải pháp về BIM để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đối với việc áp dụng.
Ngoài ra, Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Bộ Xây dựng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án BIM với các đại diện từ các Bộ có liên quan và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể theo từng giai đoạn
Sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo BIM cùng với sự vào cuộc sát sao của các bên có liên quan sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng.
TS. Tạ Ngọc Bình